TS. Travis Bradberry – đồng sáng lập, Chủ tịch TalentSmart,
đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (Thông minh cảm xúc 2.0) cho biết,
trong tất cả những trường hợp mà ông từng nghiên cứu, có đến 90% những người
thành công trong sự nghiệp có chỉ số EQ cao. Nghĩa là, chúng ta vẫn có thể
thành công mà không cần đến EQ, nhưng cơ hội là rất thấp.
Theo đó, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố vô hình trong mỗi người,
ảnh hưởng đến cách họ quản lý hành vi, điều hướng các mối quan hệ, sự kiện xã hội
và thực hiện các quyết định cá nhân để đạt được những kết quả khả quan.
"Không giống như chỉ số thông minh (IQ), EQ rất dễ điều
chỉnh. Khi chúng ta rèn luyện trí não bằng cách lặp lại những hành vi mới để
nâng cao EQ, não bộ sẽ tạo ra các con đường cần thiết để biến chúng thành những
thói quen. Không lâu sau đó, bạn sẽ bắt đầu tự động phản ứng lại môi trường
xung quanh với một trí thông minh cảm xúc mà không cần phải suy nghĩ gì về nó.
Và khi não tăng cường sử dụng những hành vi mới, những kết nối tạo nên hành vi
tiêu cực cũ sẽ dần chết đi", theo TS. Bradberry.
Dù tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc là không thể bàn cãi,
tính vô hình của nó khiến chúng ta khó xác định những hành vi cụ thể nào cần phải
trau dồi. Do đó, TS. Travis Bradberry đã phân tích dữ liệu từ hàng triệu người
mà TalentSmart đã nghiên cứu để xác định những thói quen khiến người có chỉ số
EQ cao trở nên khác biệt với những người khác. Ông giới thiệu những thói quen
này trong một bài viết trên CNBC:
1. Suy nghĩ tích cực
Theo dõi tin tức vào bất kỳ giai đoạn nào bạn sẽ thấy chúng
chỉ là một chu kỳ vô tận của chiến tranh, tấn công bạo lực, các nền kinh tế
mong manh, các công ty thất bại và các thảm họa môi trường. Rất dễ dàng nghĩ rằng
hành tinh này đang trên đà đi xuống.
Tuy nhiên, người thông minh cảm xúc không lo lắng điều đó,
vì họ không để bị cuốn vào những điều mình không thể kiểm soát. Họ tập trung
năng lượng để điều hướng 2 thứ mà họ hoàn toàn có thể kiểm soát: sự chú ý và sự
nỗ lực của chính mình.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy người lạc quan có sức khỏe thể
chất và tinh thần tốt hơn người bi quan. Họ cũng có năng suất làm việc tốt hơn.
2. Sử dụng “kho” từ vựng cảm xúc phong phú
Tất cả mọi người đều trải qua nhiều cảm xúc, nhưng chỉ có một
số ít người có thể định nghĩa chính xác khi chúng xảy ra. Nghiên cứu của
TalentSmart cho thấy chỉ 36% người có thể làm điều này. Bởi vì nhiều cảm xúc
khó gọi tên rất dễ bị định nghĩa sai, dẫn đến việc chủ thể đưa ra những lựa chọn
bất hợp lý hoặc những hành động phản tác dụng.
3. Quyết đoán
Những người có chỉ số EQ cao luôn biết cách cân bằng lòng tốt,
sự đồng cảm với việc khẳng định bản thân và thiết lập những ranh giới. Sự kết hợp
khéo léo này là yếu tố lý tưởng để giải quyết xung đột. Vì trên thực tế, khi
xung đột xảy ra, chúng ta thường dễ trở nên giận dữ hoặc thực hiện các hành vi
mang tính thụ động.
4. Tò mò về người khác
Không quan trọng họ là người hướng nội hay hướng ngoại, người
thông minh cảm xúc tò mò về tất cả mọi người xung quanh mình. Sự tò mò này là sản
phẩm của sự thấu cảm – một trong những tố chất của người có chỉ số EQ cao.
5. Tha thứ, nhưng không quên
Người thông minh cảm xúc sống theo phương châm “Lừa tôi một
lần, lỗi tại bạn; lừa tôi 2 lần, lỗi tại tôi”, nghĩa là, nếu bạn cho phép người
khác lừa mình đến 2 lần thì chỉ nên trách chính bản thân mình.
Tuy nhiên, việc tha thứ không có nghĩa là họ cho phép người làm sai một cơ hội thứ hai. Người thông minh cảm xúc sẽ không để bị "chết chìm" bởi việc bị người khác đối xử tệ, vì vậy họ sẽ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết tâm bảo vệ mình khỏi những mối nguy hại trong tương lai.
6. Không để người khác giới hạn niềm vui của mình
Khi cảm xúc hài lòng của bạn xuất phát từ việc so sánh bản
thân với người khác, bạn đã không còn làm chủ niềm hạnh phúc của riêng mình nữa.
Khi người thông minh cảm xúc cảm thấy tốt về việc gì đó mình đã làm, họ sẽ
không để những thành tựu hoặc ý kiến của bất kỳ ai cướp đi cảm xúc tích cực đó.
Dù không thể “tắt” các phản ứng đối với những điều người
khác nghĩ về mình, nhưng bạn không phải so sánh mình với người khác và đừng xem
những ý kiến của người khác là chân lý. Nghĩa là, bất kể người khác nghĩ gì hoặc
làm gì, giá trị của bạn đến từ bên trong. Bất kể mọi người nghĩ gì về bạn trong
bất kỳ hoàn cảnh nào, có một điều chắc chắn là, bạn không bao giờ tốt hoặc xấu
như họ nói về bạn.
7. Không để bị xúc phạm
Nếu bạn thật sự thấu hiểu một cách vững chắc về bản thân
mình, người khác sẽ khó thể “chọc tức” được bạn.
Người thông minh cảm xúc luôn tự tin và có tư duy mở, điều
này giúp họ tạo ra cho mình một “lớp da” khá dày.
8. Bỏ qua những màn tự vấn tiêu cực
Một bước lớn trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc là ngừng
tự vấn bản thân một cách tiêu cực. Càng “nhai đi nhai lại” những suy nghĩ tiêu
cực, bạn càng trao cho chúng nhiều quyền lực hơn. Hầu hết những suy nghĩ tiêu cực
của chúng ta chỉ là những… suy nghĩ, không phải là sự thật.
Bạn có thể “tắt” những “tiếng nói” tiêu cực, bi quan bên
trong mình bằng cách viết chúng ra. Vì khi dành thời gian để làm chậm đà tiêu cực
của các suy nghĩ này, bạn sẽ đánh giá tính xác thực của chúng rõ ràng hơn. Và bạn
hoàn toàn có thể khẳng định rằng những tuyên bố của mình là không đúng sự thật
bất kỳ khi nào bạn dùng những từ như “không bao giờ”, “tồi tệ nhất”…
Nếu những tuyên bố này vẫn trông có vẻ giống sự thật ngay cả
khi bạn đã viết chúng ra, hãy trao đổi với một người bạn để xem anh/cô ấy có đồng
ý với bạn không. Rồi sau đó bạn sẽ dần tìm ra sự thật.
Nguồn: doanhnhansaigon